Trường mầm non không dạy hè, phụ huynh vất vả

Theo kế hoạch, các trường mầm non công lập tại TP.HCM bắt đầu dạy hè ngày 15-6. Nhưng năm nay, nhiều trường mầm non bỗng dưng không tổ chức dạy hè.

Do nhiều trường công lập không dạy hè, nên số trẻ học ở nhóm lớp tư thục tăng cao từ đầu tháng 6-2015. 

Phòng GD-ĐT quận, huyện lo lắng việc này còn “lan tỏa” vì lao động của giáo viên mầm non hiện quá cực mà thu nhập từ dạy hè chẳng đáng là bao.

15 ngày đầu tháng 6, bé K. (4 tuổi, Q.Tân Phú, TP.HCM) phải lẽo đẽo theo mẹ đến công ty. Hiện gia đình bé đang vất vả tìm chỗ gửi con tạm vì trường mầm non công lập mà bé theo học không tổ chức dạy hè. Hầu hết công dân tại TP.HCM đều đi làm cả ngày nên khi trường mầm non mà con mình theo học bỗng dưng không dạy hè, họ dễ lâm vào cảnh không có chỗ gửi con.

Có nơi 66% trường công không dạy hè
Từ đầu tháng 5-2015, một số trường mầm non công lập của Q.Tân Phú đã phát đơn đăng ký học hè đến phụ huynh nhưng đến cuối tháng 5 thì xin lỗi vì “không thể tổ chức dạy hè”.

Con số từ Phòng GD-ĐT Q.Tân Phú cho biết trong danh sách 12 trường mầm non công lập trên địa bàn quận, năm nay có đến tám trường không tổ chức dạy hè, chiếm tỉ lệ hơn 66%. Không nhiều đến vậy nhưng ở các quận, huyện khác lác đác cũng có một số trường mầm non không tổ chức dạy hè.

Trong đó, tại Q.Bình Tân có ba trường mầm non công lập do sửa chữa lớn nên không thể nhận học sinh. Còn tại Q.Tân Bình, một vài trường mầm non công lập và không ít trường tư thục cũng nghỉ dạy hè. Tương tự, tại Q.Gò Vấp cũng có một vài trường trong tình trạng nói trên.

Ông Lưu Hồng Uyên – trưởng Phòng GD-ĐT Q.6, TP.HCM – cho biết việc trường mầm non nghỉ dạy hè sẽ gây xáo trộn ghê gớm đến đời sống người dân.

“Có một năm các trường mầm non công lập tại Q.6 không tổ chức dạy hè, công chức có người phải mang con lên cơ quan, sốt hết dịch vụ này đến dịch vụ khác, người lớn không thể làm việc gì nếu không có chỗ gửi con. Từ sau đó, chủ trương của Q.6 là tất cả các trường mầm non công lập phải tổ chức dạy hè, trừ những trường hợp bất khả kháng. Ngay cả sửa chữa, chúng tôi cũng sẽ gấp rút làm cuốn chiếu, khoanh vùng để đảm bảo chỗ gửi trẻ trong hè cho phụ huynh. Nếu trường này sửa chữa, chúng tôi sẽ khuyến khích các trường gần cạnh nhận trẻ trong dịp hè để đỡ cho phụ huynh”.

Giải thích về việc năm nay không dạy hè, hiệu trưởng một trường mầm non quy mô lớn tại Q.Tân Phú cho biết do “bí” giáo viên. “Số lượng giáo viên đăng ký không đủ với nhu cầu học hè của trẻ nên không thể tổ chức”. Lượng giáo viên đã đăng ký cũng bị hao hụt do trong hè các cô còn phải tham gia các lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao…

Một hiệu trưởng khác thì cho biết đã hai năm nay trường “nghỉ hè” vì số lượng giáo viên đăng ký dạy chỉ khoảng 10%, trong khi nhu cầu của phụ huynh đến 50-60%. Cô Chung Bích Phượng (phó trưởng Phòng GD-ĐT Q.Tân Phú phụ trách mầm non) cho biết đây là năm đầu tiên quận có số lượng trường công nghỉ dạy hè cao đến vậy (8/12 trường).

Tình trạng này ngày càng “lan tỏa” vì trước đây chỉ có một vài trường không tổ chức dạy hè.

Thu nhập thấp nhưng đầy áp lực
Điều gì đã khiến các giáo viên mầm non không thiết tha với việc dạy hè khi công tác này được coi là dịch vụ nên học phí, phí bán trú… đều do trường và phụ huynh tự thỏa thuận? Một giáo viên mầm non tham gia dạy hè năm 2014 thổ lộ: “Hai, ba năm nay cô hiệu trưởng làm “ghê” quá. Dạy hè mà cũng bắt giáo viên lên giáo án, làm đồ dùng, đồ chơi, kiểm tra gắt gao mà thu nhập thì ít ỏi. Năm nay, nhiều giáo viên không đăng ký vì lý do này”.

Ngoài ra, có giáo viên cho biết mỗi tháng họ nhận được khoản thù lao ít ỏi trong khi trường thu học phí và vệ sinh phí cao hơn nhiều so với trong năm. Không chỉ vậy, rất nhiều giáo viên mầm non cũng cho rằng họ không hề được nghỉ ngơi ngay cả những ngày “trên danh sách” họ được nghỉ hè (15 ngày đầu tháng 6 và 20 ngày cuối tháng 8, đầu tháng 9).

“Chúng tôi liên tục phải tham gia lớp bồi dưỡng trong hè cho năm học tới, hết trường rồi đến quận, có khi lên sở nữa. Nhiều khi chỉ muốn tham gia dạy một tháng hè thôi, một tháng dành để nghỉ ngơi, dành thời gian hè bên gia đình nhưng đăng ký một tháng thì hiệu trưởng không cho nên đành nghỉ luôn”.

Theo điều lệ trường mầm non, dạy hè không phải là quy định bắt buộc nên việc giáo viên có tham gia hay không đều do sự vận động của chính hiệu trưởng nhà trường.

Cô Nguyễn Thanh Xuân – hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Phượng Đỏ (H.Bình Chánh, TP.HCM), trường có đến 75% giáo viên tham gia dạy hè năm nay – kể: “Tại trường tôi chỉ có vài ba giáo viên nghỉ hè. Tôi dành 80% chi phí thu được từ dạy hè để trả lương cho giáo viên, chỉ giữ lại 20% kinh phí để sửa chữa, phục vụ, đúng với mức cao nhất theo quy định. Có lẽ điều này cũng động viên giáo viên làm việc trong hè hơn”.

Tìm giáo viên dạy hè: cần linh động
Cô Chung Bích Phượng cho biết trước đây khi còn làm hiệu trưởng trường mầm non cô cũng đã gặp phải tình trạng “không mấy giáo viên thích dạy hè”.

Thế nhưng, cô vẫn tổ chức dạy hè được dù nguồn giáo viên không ổn định. Cô đã tìm những sinh viên ngành mầm non năm cuối (chờ lấy bằng), tuyển dụng theo hợp đồng thời vụ về làm cùng giáo viên của trường.

Đối với những nhóm nhỏ, cô bố trí hai giáo viên và một giáo sinh/lớp; lớp mầm và chồi thì một giáo viên và hai giáo sinh/lớp. Hè thì chủ yếu giữ trẻ để đảm bảo an toàn, dạy cho trẻ những kỹ năng, chơi với trẻ là chủ yếu nên việc này vừa “giải quyết” được rất nhiều việc.

Rõ ràng, khi có “nguồn” giáo viên thời vụ này, những giáo viên không có nguyện vọng làm hè cũng yên tâm, mà phụ huynh cũng không lo lắng về chỗ gửi con hay chuyên môn của các cô giáo. Vấn đề lạ trường, lạ lớp, tâm lý của trẻ cũng được đảm bảo, không xáo trộn.

Cô đã có năm năm tuyển giáo sinh dạy hè mà “cứ lớp trước giới thiệu lớp sau, không bao giờ thiếu giáo viên để dạy hè. “Giáo sinh họ thích lắm, như một kỳ thực tập của họ mà được trả tiền, được đứng lớp. Giáo viên dạy cũng rất vui, vì công việc có người chia sẻ, gánh vác mà tiền công họ nhận được cao hơn so với lúc chỉ có giáo viên tham gia dạy hè”.

Cô Chung Bích Phượng đã chia sẻ kinh nghiệm cho các hiệu trưởng trong quận, nhưng không ai dám “hợp đồng thời vụ với giáo sinh” như cô đã từng làm. Phần lớn hiệu trưởng sợ “xảy ra việc gì” nên họ chọn biện pháp khỏe hơn là không dạy hè (vì đó không phải là yêu cầu bắt buộc). Nếu như việc “tìm nhân sự dạy hè” có một hành lang pháp lý hoặc được tháo gỡ từ cấp trên thì người hiệu trưởng mới yên tâm, mạnh dạn thực hiện.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *