Trẻ ở độ tuổi mầm non đang trong giai đoạn đầu tự lập, tự phát triển những khái niệm về hình ảnh của chính mình với nhiều câu hỏi như chúng là ai? Chúng có thể làm được gì? Hay chúng có thể trở thành người như thế nào?…Trong thời điểm quan trọng đó, phụ huynh và các nhà giáo dục cần chú ý đến trẻ nhỏ để chúng có thể phát triển tinh thần lành mạnh.
Những lời nói của người lớn có tác động quan trọng đến suy nghĩ của trẻ, nhất là khi chúng phải đối mặt với những thách thức hay đấu tranh để học các kỹ năng mới. Khi trẻ muốn làm điều gì đó, người lớn thường ngăn cản vì cho rằng chúng còn quá bé, không đủ sức thực hiện. Hầu hết bậc làm cha mẹ đều tỏ ra thất vọng khi thấy những đứa trẻ từ bỏ cố gắng với những câu nói: “Con không thể làm điều đó. Con không thể làm tốt vào lúc này”, Tiến sĩ Carissa Romero của Đại học Stanford khẳng định.
Ngược lại, những đứa trẻ “ương bướng” thường sẵn sàng đấu tranh để thực hiện được điều chúng muốn. Tiến sĩ Carissa Romero cho rằng: “Người lớn cần giúp trẻ em hiểu rằng muốn thành công thì phải đối mặt với thất bại, giúp chúng biết được những hành động của chính bản thân mới có thể giúp chúng vượt qua những trở ngại đó”. Nghiên cứu chỉ ra rằng: Những học sinh có tư duy phát triển thường có khả năng phục hồi nhanh chóng khi đối mặt với những trở ngại và xem thất bại như một phần của quá trình học tập. Bởi tư duy đóng vai trò quan trọng, giúp dự đoán sự thành công của trẻ trong tương lai.
Cha mẹ và các nhà giáo dục có thể nuôi dưỡng một tư duy tích cực khi trẻ đang học mẫu giáo, thời điểm được xác định là tư duy dễ uốn. Vì vậy, lời khen chính là động lực giúp trẻ có thể tự tin vào khả năng của bản thân. Tuy nhiên, những lời khen chung chung đều thiếu giá trị giảng dạy. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ, những lời khen của cha mẹ dành cho con từ 1-3 tuổi có sức thuyết phục với những đứa trẻ trong 5 năm sau đó. Những lời khen ngợi hiệu quả hiệu nhất thường nhấn mạnh ba điều: nỗ lực của trẻ, kế hoạch của trẻ và những hành động của chúng.
Tiến sĩ Carissa Romero khẳng định: “Đây là nghiên cứu khá thú vị với các bậc làm cha mẹ. Ngôn ngữ của họ khi nói chuyện với con sẽ tạo nên sự khác biệt sâu sắc so những lời nói mà chúng nhận được từ người khác. Đó là thông điệp tích cực với những người chăm sóc”. Vì vậy, ông kêu gọi các bậc làm cha mẹ hãy tập trung vào những gì họ thấy.
Với trẻ nhỏ thường bắt đầu khá đơn giản, hãy thay thế những lời khen ngợi chung chung như “Con làm tốt lắm” bằng lời khen cụ thể như “Hãy hướng dẫn em gái việc con đã làm tốt này” hoặc thay thế lời khen “Bức tranh đẹp đó” bằng câu “Ba thích cách con sử dụng màu xanh và màu vàng trong bức tranh”… Tuy nhiên, cha mẹ cũng cần lưu ý không nên khen ngợi chúng quá đà để tránh cho trẻ rơi vào tình trạng “ảo tưởng sức mạnh”, dễ dẫn đến tự kiêu.