1. Theo dõi sự tăng trưởng về thể chất của bé
2. Tại sao nói bé lên ba là “một cuộc cách mạng”?
– Trí tưởng tượng bé phong phú hơn: Bé có thể kể “nhà bé có con cá to, có xe hơi chạy nhanh…” dù thực tế không hề có. Bé không nói dối mà chỉ là sản phẩm từ trí tưởng tượng phong phú của bé.
– Bé độc lập hơn và thích tự quyết định: Bé muốn quyết định việc ăn, chơi, ngủ của mình, chống đối lại sự áp đặt của cha mẹ. Bé đang thử xem mình có thể và không thể làm gì. Bé muốn mọi người quan tâm đến mình nhiều hơn, nhất là khi mẹ có thêm một em bé nhỏ hơn và “ông vua con mất ngôi” trở nên giận hờn và “ngổ ngáo”!
– Bé thích bắt chước lời nói, điệu bộ, dáng đi và tham gia vào các hoạt động của người lớn. Vì vậy, cha mẹ, thầy cô và gia đình cần làm gương tốt cho bé.
3. Nguy cơ rối loạn dinh dưỡng ở độ tuổi 3-5
Có thống kê cho thấy bé ở độ tuổi này cứ 4 ngày khỏe là có 1 ngày bệnh. Lý do là hệ thống miễn dịch vẫn chưa phát triển tốt, tuy đã quen dần môi trường bên ngoài nhưng các bệnh lý nhiễm trùng như viêm đường miệng và hô hấp, kiết lị… vẫn có thể gây hại cho bé. Do đó, nguy cơ suy dinh dưỡng vẫn còn rình rập khi bé biếng ăn hoặc sau bệnh không thể ăn bù.
Đối những bé béo phì ở độ tuổi này có nguy cơ tăng cân nhanh khi bé đã biết tự lựa chọn món ăn khoái khẩu (đồ chiên, nước ngọt), yêu cầu món ăn cho mẹ nấu hoặc tự lấy thức ăn trong tủ lạnh. Bản thân bé thụ động, thích xem TV thay vì tham gia những hoạt động ngoài trời.
4. 3 – 5 tuổi cần gì để có sự phát triển thể chất tốt nhất?
Đặc điểm chung cần lưu ý:
– Việc ăn uống của bé đã gần giống với người lớn: Tham gia cả 3 bữa ăn chính của gia đình. Bé cần đủ 4 nhóm thực phẩm trong bữa ăn chính: bột đường, đạm, béo, rau và trái cây.
– Bé vẫn cần 3-4 cử sữa mỗi ngày (200ml); các chế phẩm từ sữa để đạt được chiều cao tốt nhất và bổ sung khoáng chất, chất đạm.
– Cho phép bé lựa chọn món ăn theo hướng dẫn, làm bạn với bé, hiểu và không ép uổng bé.
VD: Hỏi bé “Con muốn ăn cái này hay cái kia?” thay vì “Con hãy ăn cái này đi!”
– Cho bé ngủ sớm từ 21h. Giấc ngủ sâu từ 23h – 24h giúp não bộ tiết nhiều hóc-môn tăng trưởng giúp xương dài ra, tăng chiều cao.
– Phối hợp với nhà trường để chuẩn bị thực đơn cho bé, giúp bé có những hoạt động thể thao và tổ chức những buổi sinh hoạt ngoài trời vào dịp cuối tuần.
Khi bé chậm tăng cân:
– Mẹ có thể chọn các món có nhiều năng lượng (món ngọt, béo) cho dùng thường xuyên, thêm 1 – 2 muỗng dầu ăn vào chén canh của bé.
– Chọn sữa bột béo có đường để cung cấp năng lượng cho bé
– Dùng thêm sữa chua, phô mai… sau bữa chính.
Khi bé tăng cân nhanh:
– Hạn chế thức ăn dự trữ trong tủ lạnh, giảm thức ăn ngọt
– Thêm rau củ, giảm dầu mỡ trong bữa chính.
– Duy trì cử sữa để phát triển chiều cao. Nên chọn loại sữa không đường, sữa ít béo với sự tư vấn của bác sĩ.
5. Tại sao cùng 1 chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt ở nhà trẻ mà có bé tăng cân, có bé không tăng cân?
Sự khác nhau có thể đến từ lượng thực phẩm được đưa vào cơ thể bé:
– Những bé suy dinh dưỡng không ăn hết suất của mình, còn “nhường phần” cho những bé béo phì.
– Những bé “ăn giỏi” thường mang theo sữa đến trường.
– Bé được mẹ cho uống thêm sữa khi tan trường.
– Bữa tối bé có được ăn bữa chính đầy đủ chất, uống 1-2 ly sữa trước khi đi ngủ?
– Chế độ ăn ngày cuối tuần của bé có như ngày thường?
– Bé hiếu động, nghịch ngợm hay thụ động?
6. Thực đơn mẫu:
– 7g00: 1 tô phở bò với nước béo, rau giá và 1 ly sữa đậu nành.
– 9g30: 1 cục phô mai với bánh qui, chuối.
– 12g00: 1 chén cơm với cá thu sốt cà, canh rau muống nấu tôm tươi, dưa hấu.
– 15g30: 1 chén tàu hủ nước đường
– 18g00: 1 chén cơm với thịt heo kho trứng, canh súp khoai tây, cà rốt.
– 21g00 – 21g30: sữa 200ml x 2 lần.